Chương 61: Ghen (04)

Dưới Vẻ Bề Ngoài

Đăng vào: 4 tháng trước

.

“Năm 2013, anh đưa em từ Iceland đến Las Vegas, chúng mình đã đăng ký kết hôn ở Las Vegas.”

Tin tức này khiến Hứa Qua chấn động, cô ngẩng đầu, nhìn vào mắt Lệ Liệt Nông, miệng lẩm bẩm: “Artenza…”

Tại sao lại là năm 2013, chẳng phải là năm 2014 ư?

2014 chính là con số được chạm khắc vào đầu cô. Artenza của cô nói sẽ kết hôn với cô vào năm 2014. Năm 2014, bọn họ sẽ lấy nhau, mỗi khi nghĩ đến chuyện này, Hứa Qua lại hạnh phúc lăn đi lộn lại.

Sự nghiêm túc và kỷ luật của Lệ Liệt Nông như được lập trình vào mã gen của anh vậy, giống như điều người ta làm đầu tiên khi tỉnh chính là mở mắt.

Một khi Lệ Liệt Nông đã nói với cô rằng bọn họ sẽ kết hôn vào năm 2014 thì chắc chắn điều đó sẽ xảy ra vào năm 2014, sớm hơn hay muộn hơn đều không được.

Năm 2014, chờ qua sinh  nhật 25 tuổi của cô, anh sẽ chọn thời gian thích hợp để cùng cô cử hành hôn lễ. Dù là đứa nhỏ ở 1942 cũng biết rõ điều này.

Theo những gì anh vừa nói ra thì hiện tại, cô đã đạt được mơ ước bấy lâu nay là trở thành bà Lệ rồi.

Cô cố gắng tìm kiếm sự vui vẻ trong lòng mình khi nghĩ đến danh xưng bà Lệ mà mình luôn trông ngóng, thậm chí ngón tay cô còn đang xoa xoa khóe mắt: Nhất định là vì hạnh phúc này đến quá bất ngờ nên trong thời gian ngắn, cô không kịp chuẩn bị tinh thần, lập tức, lập tức nước mắt ậng lên.

Nghĩ thêm một chút, cô lại nhoẻn miệng cười ngây ngốc, cười xong, nước mắt cô lại như ứa ra, nhưng mãi chẳng có giọt nước mắt nào rơi xuống cả.

Giờ phút này, trong lòng Hứa Qua là ba phần hoảng loạn, ba phần mờ mịt, còn lại là ngũ trần tạp vị chẳng thể nói rõ.

Mắt cô mở to hết cỡ, mang theo vài phần cố gắng, Hứa Qua cố gắng tìm kiếm câu trả lời trong cảm xúc, trong đôi mắt Lệ Liệt Nông: Rốt cược, anh đã mang tâm trạng gì khi chúng mình kết hôn? Anh có hạnh phúc không, có mãn nguyện, kích động sung sướng không? Hay vẫn là…. Vẫn là không cam tâm tình nguyện?

Cô lẩm bẩm hỏi: “Tại sao lại là năm 2013? Khi đó em đã 25 tuổi đâu, không phải anh nói đợi em 25 tuổi rồi mới kết hôn sao?”

Nhìn cô, anh cố ý dùng giọng nói mềm mại nhất có thể, nói với cô rằng: “Nếu không có chuyện gì đột ngột phát sinh, anh sẽ tắt đèn đúng giờ vào mười hai rưỡi đêm, nhưng thi thoảng, anh cũng sẽ nhất thời kích động mà lấy ra chiếc máy chơi game anh trộm được để chơi một lúc. Em có thể coi thời gian kết hôn của chúng mình giống như chuyện thi thoảng người ta lại muốn phá vỡ quy tắc của mình.”

Không, không, câu nói đó chẳng có chút thuyết phục nào. Lãnh đạo của 1942 tuyệt đối không bao giờ lấy chuyện kết hôn của mình ra làm một loại kích động nhất thời. Dù là chính anh hay người khác đều biết anh không phải là người như vậy.

Hứa Qua nghĩ, nhất định là do biểu cảm nghiêm túc lúc này của cô đã khiến nhà lãnh đạo 1942 có chút lúng túng, vì thế, anh tìm một đề tài khác nhẹ nhàng hơn.

Anh khẽ mỉm cười: “Lúc ấy anh bao nhiêu tuổi nhỉ? Mười bảy tuổi, à không, mười tám tuổi, có một hôm, anh đi vào một cửa hàng điện tử, thừa dịp không ai chú ý, anh đã lén trộm một chiếc máy chơi game cầm tay mới nhất, nhét vào trong áo khoác.

“Giây phút bước ra khỏi cửa hàng, anh đã hiểu vì sao nhiều kẻ lắm tiền lại thích đi vào siêu thị rồi ăn cắp thanh sô cô la năm đô, chiếc kẹo cao su một đô, thậm chí có khi chỉ là vài lạng mỳ.”

Bầu không khí vẫn đầy sự cố gắng của anh trong việc vẽ chuyện ra để nói. Anh bước về phía trước, nở nục cười tươi rói: “Con gái ông chủ tiệm kim khí này… À không, không, giờ là bà Lệ chứ.”

“Anh nói này bà Lệ, không chừng về sau ông Lệ vẫn sẽ làm ra những loại hành động như vậy. Nếu như chẳng may em nhìn thấy thì phải làm bộ như chưa thấy. Cái chuyện trộm vặt như vậy anh không phải thợ lành nghề, nếu ngộ nhỡ…. Ngộ nhỡ ông Lệ xui xẻo bị người ta bắt được, bà Lệ nhất định phải giả bộ như chưa có chuyện gì xảy ra đấy.”

Bầu trời càng trở nên trong veo, buổi sáng sớm ở Mexico đẹp đến mức người ta khó có thể liên hệ với những tội ác đang xảy ra ở đây ngày ngày.

Buổi sáng hôm đó, có một cái đầu nho nhỏ của một cô bé lén lút đi theo sau một thiếu niên. Ngày hôm đó, tâm trạng của anh nhất định là không được tốt, nên anh mới không phát hiện ra có người lén đi sau lưng.

Cô bé ấy không biết điều gì khiến chàng thiếu niên không vui. Ý nghĩ duy nhất trong đầu cô lúc ấy chính là cô muốn ở bên Artenza khi anh buồn bực, ngay cả khi anh không nhận ra sự tồn tại của cô.

“Khi đó, anh mười bảy tuổi, chúng ta mới đến Mexico, anh đã bước vào một cửa hàng điện máy nội địa Nhật. Chiếc máy mà anh nhét vào túi chính là chiếc Nitendo DS đời mới nhất. Là em đã ngăn lại nhân viên bảo vệ muốn đuổi theo anh, chiếc máy chơi game đó đã khiến làm bốc hơi toàn bộ tiền tiêu vặt em tiết kiệm được.”

Chỗ tiền tiết kiệm đó, cô vốn là để dành để mua mô hình kinh khí cầu.

Năm ấy cô mười bốn tuổi, anh mười bảy tuổi.

Ký ức ở thành phố Mexico sặc sỡ sắc màu bỗng như được phủ lên một lớp nhựa đen trắng. Người thiếu niên đi trước mặc chiếc áo sơ mi đen là bức ảnh màu trắng, cô bé mặc áo thun tím đi lẽo đẽo theo sau biến thành màu xám.

Rồi bỗng nhiên, nước mắt cô trào ra. Những giọt nước mắt ấy rơi xuống vì cô bé trong bức tranh màu xám ấy, chứ không phải bởi vì cô vui vẻ khi có trong tay danh xưng bà Lệ.

Ước mơ trở thành vợ người ấy đeo đẳng cô đãbao nhiêu năm tuổi thơ đến khi thành niên rồi trưởng thành và đến hôm nay, hình như sự hạnh phúc ấy đã biến mất rồi.

Ở Iceland, Hứa Qua có một chỗ ở bí mật. Nơi đó rất xa xôi, hẻo lánh, cách biệt với những thành phố với những tòa nhà cao tầng. Nơi đó của cô gần làng chài đánh cá của ngư dân.

Cô đã đổi ngôi nhà gỗ nhỏ của mình với một ngư dân để lấy một bộ đồ nghề đánh cá. Cô nói với người ngư dân đó rằng, chờ một ngày nào đó khi người phụ nữ trong lòng Artenza xuất hiện mà đó không phải là cô, cô sẽ chuyển đến nơi này, làm nghề đánh cá mà sinh sống.

Khi cô rời đi, giao chìa khóa nhà vào tay người ngư dân kia, ông ấy đã nói: “Hy vọng rằng cháu sẽ vĩnh viễn không bao giờ cầm chùm chìa khóa này lần nào nữa.”

Nhưng với câu chuyện ban nãy, xem ra hy vọng đó của người ngư dân đã vỡ tan như bong bóng. Khi đó, cô đã không nói với ông rằng: “Cháu còn sợ hãi hơn ông nếu như mình phải cầm chùm chìa khóa này thêm lần nữa.”

Cuối cùng cô vẫn quay lại Iceland. Không kể thêm cô cũng biết mang máng điều gì đã xảy ra.

Giọt nước mắt lành lạnh chảy xuống từ khóe mắt. Khi ngón tay anh sắp chạm vào khóe mắt cô, Hứa Qua dứt khóa né mặt đi chỗ khác. Giọng anh đầy sự hoảng loạn và xấu hổ: “Xin lõi em, lúc ấy anh không hề hay biết.”

Anh xin lỗi cô vì đã khiến cô dùng hết tiền tiêu vặt. Anh không hề biết câu chuyện mà cô đang nghĩ đến.

Một làn gió thổi qua, chỉ trong chớp mắt, nước mắt cô đã cạn khô. Đôi mắt cô mở to, nhìn anh thật rõ, cảm giác thời gian trôi qua như thể đã mấy đời.

Anh cố gắng nở nụ cười, yên lặng nhìn cô chăm chú. Từ trong đồng tử đen đầy cuốn hút ấy, cô thấy khuôn mặt chính mình, một khuôn mặt điềm tĩnh, thản nhiên.

Cô muốn anh kể rõ ràng mọi chuyện, khuôn mặt cô muốn nói như vậy.

“Khi đó, anh có làm một chuyện khiến em tức giận. Sau đó em rời đi… Khoảng thời gian em rời đi có hơi dài…” Anh gượng gạo mở miệng.

Khi anh nhận ra Hứa Qua bỏ đi lần này lâu hơn bất kì lần nào trước đây là vào một buổi sáng sớm, khi anh vừa ngủ dậy.

Lệ Liệt Nông còn nhớ rõ, buổi sáng hôm đó rất yên tĩnh. Yên tĩnh đến mức anh cảm giác không gian xung quanh mình có điểm không bình thường. Là một con người cực kỳ yêu sự yên tĩnh, nhưng sự tĩnh lặng của buổi sáng hôm đó khiến anh không cách nào thoải mái được.

Rốt cuộc là có chuyện gì bất thường? Vấn đề này khiến cả một buổi sáng, đầu óc anh không tập trung được việc gì.

Sau đó, bất tri bất giác, anh đã đứng trước cửa phòng Hứa Qua ở ký túc xá. Anh đẩy cửa ra, xộc vào mũi là mùi hơi ẩm mốc cho thấy chủ nhân căn phòng này đã đi vắng rất lâu. Mùi gỗ ẩm cùng với bụi lâu ngày khiến anh cảm thấy thật khó thở.

Có người nói với anh rằng Hứa Qua đã không về đây hai mươi ngày rồi. Chính sự quan tâm của người này với Hứa Qua cùng với tình trạng không biết vợ chưa cưới ở đâu của mình khiến anh có chút không thoải mái.

Anh cố ra vẻ nói với người đó: “Mấy ngày nữa là Hứa Qua về rồi.” Anh thốt ra câu ấy vô cùng thản nhiên, hơn nữa còn làm ra động tác như thể mình cái gì cũng biết. Nhưng thực chất, Lệ Liệt Nông nào biết Hứa Qua đang ở đâu.

Khi đó, điều duy nhất anh có thể chắc chắn chính là chỉ mấy ngày nữa thôi, nhất định Hứa Qua sẽ quay về. Nhất định không quá mười ngày đâu, con gái ông chủ tiệm kim khí si mê anh như thế kia mà.

Buổi sáng thứ hai mốt, Lệ Liệt Nông mở mắt ra và đối mặt với sự im lặng đến kỳ dị. Không để cho anh kịp nhận ra lý do cho cảm giác trống rỗng, không quen thuộc đó thì thông tin tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ của 1942 bị phong tỏa. Bộ phận tài chính của 1942 lập tức tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện ra đó là chỉ thị bí mật của chính phủ Mỹ.

Rồi Lệ Liệt Nông phải đi công tác ở Washington. Chờ đến khi anh trở về từ chuyến công tác ấy đã là một tuần sau, Hứa Qua vẫn chưa trở về.

Lần đầu tiên, Lệ Liệt Nông bắt đầu tự hỏi bản thân, lần cuối cùng anh và cô gặp nhau đã có chuyện gì xảy ra. Ừm, đúng là chuyện hôm đó anh đã khiến Hứa Qua mất mặt trước một người phụ nữ khác. Nhưng người sai trước là Hứa Qua, ừm, nhưng chuyện đó không phải chỉ đơn giản là sai lầm của Hứa Qua.

Sở dĩ Lệ Liệt Nông chịu đựng Hứa Qua như vậy là vì anh biết, ngoài những thủ đoạn điêu ngoa vô lý của cô ở sau lưng anh, Hứa Qua vẫn là một con người đúng mực và có năng lực. Cô biết đâu là giới hạn chịu đựng của anh, bao giờ thì giới hạn đó bị phá vỡ.

Nhưng lần đó, chuyện Hứa Qua làm đã vượt qua hoàn toàn khả năng chịu đựng của Lệ Liệt Nông.

“Không, không không, Artenza, sở dĩ anh cảm thấy việc em làm bây giờ là chuyện không thể chấp nhận được chính là vì người đó là Liên Kiều.” Không gian rộng lớn càng khiến Hứa Qua trở nên nhỏ bé, khuôn mặt cô như một đứa trẻ bị bỏ rơi, tiếng hét của cô vang vọng trong nhà xưởng bỏ hoang.

Giờ phút này, tiếng vọng từ nhà xuổng bỏ hoang đó như men theo tiếng gió, thổi qua kẽ lá cây rồi rót vào tai Lệ Liệt Nông.

Liên Kiều.

Ừm, Liên Kiều, thi thoảng anh sẽ mang theo một chút cảm tình riêng mà gọi là ‘thực tập sinh’

Một chiếc lá vàng theo gió rơi từ trên cây xuống, quay vài vòng trên không trung như trải qua mấy kiếp. Cái người phụ nữ mà thi thoảng anh sẽ gọi là ‘thực tập sinh’ ấy cũng là một nhân vật như vậy.

Trước mắt anh chỉ có cô, Hứa Qua.

Khi Lệ Liệt Nông từ Washington trở về thì Hứa Qua đã rời đi 28 ngày. Hứa Qua rốt cuộc đã đi đâu không ai biết cả. Thậm chí dì Mai còn không chịu nghe điện thoại của anh.

Ngày thứ ba mươi, Lệ Liệt Nông nhận được điện thoại của phòng chiến lược, họ khéo léo nói: “Chúng ta chỉ là những người trồng nho, người trời sinh đi giày cao gót thì có thể đi được bao lâu ở vườn nho đầy mô đất, chỉ có người đi giày đế bằng mới có thể đi đến cuối con đường.”

Người trời sinh đi giày cao gót là Liên Kiều, người đi giày đế bằng là Hứa Qua.

Sau khi nhận cuộc điện thoại kia, Lệ Liệt Nông không giống như thường ngày. Nếu là ngày thường, sau khi bị ‘chỉ bảo’ như vậy, anh sẽ dùng khoảng ba giây để tiêu hóa cuộc hội thoại vừa rồi, sau đó trong lòng phản kháng một cách mạnh mẽ, nhưng cuối cùng vẫn phải dùng lý trí để tiếp thu và làm theo.

Sau khi cúp điện thoại, cảm xúc bình thường đó không hề xuất hiện. Lệ Liệt Nông thậm chí còn chẳng buồn tìm hiểu lý do vì sao, anh bảo Kim Nguyên lập tức đặt cho mình vé máy bay đi Hy Lạp.

Dì Mai sống ở Hy Lạp.

Lúc ấy, Lệ Liệt Nông không nhận ra rằng, có lẽ một phút nào đó trong tiềm thức, anh vẫn luôn đợi cuộc gọi đến máy dì Mai được nhận, và đầu dây bên kia sẽ nói với anh rằng: Mau đến đưa Hứa Qua về.

Chỉ khi đưa Hứa Qua trở về, thế giới này mới lần nữa sống động trở lại. Con gái ông chủ tiệm kim khí là một người nói siêu lắm, từ sớm đến tối ríu ra ríu rít không ngừng nghỉ.

Chỉ khi Hứa Qua ở bên, thế giới của Lệ Liệt Nông mới trở nên náo nhiệt, đầy sức sống.

Đây là điều mà qua một khoảng thời gian rất dài Lệ Liệt Nông mới rút ra được.

Gió thổi thảm lá dưới chân kêu xào xạc, cuốn những chiếc lá khô quay vòng quay vòng về phía xa rồi biến mất.

Cô gái trước mắt anh được Thượng Đế ban cho một hình dáng ngọt ngào, nhưng đôi mắt kia của cô như thể lúc nào cũng có thể rơi ra nước mắt, giống như dì Mai nói: “Tiểu Qua của chúng ta là một cô bé đa sầu đa cảm.”

Cô gái trước mắt, thích cười, cũng thích khóc, đôi lúc cô còn ngốc chết đi được, ngốc đến mức có thể vì anh mà làm một núi việc ngu ngốc.

“Hứa Qua.” Anh ngập ngừng: “Anh xin lỗi, có nhiều chuyện anh nhận ra muộn màng, nhưng may là chúng ta vẫn còn trẻ.”

Anh lại xin lỗi cô rồi.

Lòng cô như chết lặng. Những tia nắng vẫn ấm áp như cũ, vương trên tán cây. Những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên từng phiến lá trong veo, lấp lánh.

Chẳng qua bao lâu, hiện tại Hứa Qua chỉ mong nhanh nhanh kết thúc chủ đề này để chuyển sang chuyện “Cô đã trải qua những ngày tháng làm bà Lệ như thế nào.”

“Sau đó thì sao?” Giọng cô như đã chết lặng.

“Sau đó… anh gặp dì Mai và xin địa chỉ của em. Rồi anh tìm được em ở Iceland, lần đó em có vẻ rất tức giận…” Gió thổi qua mái tóc anh, khiến vài lọn rơi xuống trán, khiến bộ dạng anh trông như bị bối rối. Tay anh làm như lơ đãng đưa lên sửa tóc lại như cụ, dừng một chút, anh nhỏ giọng đi: “Có lẽ…. Có lẽ hẳn là do chuyện trước đó khiến em thương tâm nên bực bội, anh phải mất một ngày hai đêm mới có thể đưa em được từ Iceland đến Las Vegas.”

Từ miệng Lệ Liệt Nông kể ra, câu chuyện nghe hệt như chuyện yêu đương giận dỗi của bao cặp nam nữ khác. Nhưng Hứa Qua biết không phải là như vậy.

Artenza của cô nhất định không thể biết căn nhà gỗ ở Iceland có ý nghĩa với cô như thế nào. Cho dù hiện tại cô không nhớ được mình đã quay lại Iceland trong tâm trạng nào, nhưng Hứa Qua cảm nhận rất rõ sự mệt mỏi của cô khi quyết định như vậy.

“Lệ Liệt Nông, nếu hành động của em làm anh thấy phiền, vậy thì anh hãy cầu nguyện nhiều một chút, cầu sao sớm đến cái ngày mà em mệt mỏi mà từ bỏ. Thật sự nếu ngày đó đến, em sẽ không níu kéo nữa.”

Lời nói đó còn văng vẳng bên tai cô. Nhưng vì sao, trái tim kia vẫn chưa biết mệt là gì, không, phải nói là vì sao vẫn mãi không hết hy vọng, thật là không có tiền đồ!

Kết quả của việc không có tiền đồ chính là cô đã theo anh đến Las Vegas.

“Ở Las Vegas, chúng ta nhờ một người bản xứ giúp đỡ đăng ký kết hôn. Em dùng hộ chiếu Iceland, còn anh dùng hộ chiếu Mỹ. Vậy là trong một buổi sáng, em từ con gái ông chủ tiệm kim khí biến thành bà Lệ. Chuyện chúng mình kết hôn chỉ có dì Mai biết.”

“Khi đó chúng mình đã thống nhất là đăng ký kết hôn trước, hôn lễ sẽ được bổ sung sau đó. Và chúng mình cũng thực hiện được kế hoạch đó, năm 2014, mình tổ chức lễ cưới ở Séc, sau đó, chúng ta sinh sống chủ yếu ở Las Vegas.”

Nói xong, anh im lặng nhìn cô.

Xem ra mọi chuyện lại trôi chảy như vậy, nhưng Hứa Qua vẫn thắc mắc một chuyện.

Cô nhìn anh không chớp mắt, hỏi: “Artenza, vậy vòng cổ của em ở đâu rồi. Trên đó có nhẫn đính hôn, vậy chiếc vòng cổ có nhẫn đính hôn của chúng mình giờ ở đâu?”

Không, phải là cặp nhẫn đính hôn đó còn tồn tại không?

Khi hỏi đến vấn đề này, trong lòng Hứa Qua có một dự cảm mãnh liệt rằng chiếc vòng cổ mà lúc tắm cô cũng không dám tháo xuống ấy đã sớm không còn nữa.

Chiếc vòng cổ ấy có lẽ giống như những người đã qua đời, có lẽ nó đã hòa vào với bùn đất, hoặc chìm xuống đáy một con sông nào đó, hay bị ngọn gió đưa đi xa mãi xa mãi.

Hai mươi tuổi, theo Hứa Qua đến Santiago chỉ có hai thứ duy nhất là hộ chiếu và chiếc vòng cổ ấy. Tay cô luôn nắm chặt lấy món đồ nhỏ luồn qua vòng cổ, tự trấn an bản thân: Artenza nhất định sẽ không có chuyện gì. Artenza nhất định sẽ tự mình đeo lại chiếc vòng lên cổ cô.

Thời gian dài như vậy nhưng tưởng như mới chỉ là chuyện hôm qua. Hứa Qua hai sáu tuổi tỉnh dậy ở bệnh viện, trong lòng cô chỉ nghĩ đến nó, chỉ sợ mình lỡ đánh rơi mất.