Đăng vào: 4 tháng trước
Bánh xe của giường cấp cứu lăn nhanh trên hành lang. Nằm trên giường là người đàn ông có khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt nhắm chặt, điều duy nhất cho thấy anh còn sống chính là hàng mi dài không ngừng run rẩy.
Bàn tay cô túm chặt lấy thành giường, bước chân chạy theo bánh xe lăn, đôi mắt chưa từng dời khỏi khuôn mặt anh một lần, cho đến khi chiếc giường được đẩy đến gần cửa phòng cấp cứu.
“Artenza…”
Ngón tay anh nhẹ nhàng xoa tay cô, khoé miệng anh khó khăn lắm mới nhếch lên được, những muốn nở một nụ cười nhưng cuối cùng, anh chỉ có thể mấp máy môi câu: “Chờ anh” với cô.
Cô gật đầu liên tục, nói: “Anh đừng để em đợi lâu.”
Nếu phải chờ lâu, cô nghĩ cô sẽ rất mệt.
Màn đêm buông xuống, Lệ Liệt Nông được đẩy lại phòng bệnh lúc trước. Dùng thuốc giảm đau quá liều khiến cảm xúc anh rối loạn, đỉnh điểm là dễ bị ngất xỉu trong thời gian ngắn.
“Nếu tình huống lần này còn tái phát thêm, thì không chỉ có ngất không đâu, thêm cả mất thị lực nữa.” Chuyên gia não bộ mà 1942 phải mời đi đường xa tới đây đã nói như vậy. Ông ta cực kì phẫn nộ khi Lệ Liệt Nông căn bản chẳng để lời cảnh cáo về việc dùng thuốc giảm đau quá độ vào tai.
Vị chuyên gia nổi tiếng này còn miêu tả tình trạng hiện tại của Lệ Liệt Nông: Lực phát ra từ vụ nổ kia tương đương với xung lực sinh ra từ một vụ động đất mạnh, đánh vào đầu khiến não bị đè ép, sinh ra các cơn đau từ dây thần kinh, đồng thời cũng khiến cảm xúc bị rối loạn, thường xuyên lo lắng, thậm chí còn dễ mắc trầm cảm.
Những điều này trước nay Lệ Liệt Nông chưa từng nói với Hứa Qua, mỗi lần cô hỏi, anh đều trả lời như này: “Nếu không phải vì vấn đề an toàn, anh đã sớm rời khỏi đây rồi.” Biểu hiện của anh càng khiến Hứa Qua tin rằng đó là sự thật. Nhưng hoá ra mọi sự dịu dàng, bình tĩnh đó đều là dựa vào thuốc.
Cũng chính vì nguyên nhân đó mà mỗi lần đi kiểm tra sức khoẻ, anh đều không cho cô đi cùng.
Điều Hứa Qua còn không biết chính là trong khoảng thời gian ở đây, những ngôn từ, đồn đại kiểu như “Thực hư câu chuyện Lệ Liệt Nông qua đời vì bị kh ủng bố Mexico tập kích ở sân bay”, “Có một nguồn tin không chính thức cho biết nhà lãnh đạo 1942 hiện rơi vào hôn mê” đã sớm lan truyền khắp thiên hạ.
Sáng hôm nay, trước khi Lệ Liệt Nông rời đi, anh nói với Hứa Qua: “Kiểm tra toàn diện xong anh phải ra ngoài một lúc” để bác bỏ những đồn đại không đúng sự thật nhằm vào anh và tổ chức. Chuyện này cũng được thực hiện một cách giấu diếm với bác sĩ.
Khi bài thông cáo mới thu được một nửa thì anh nhận được tin cô không có trong phòng, lập tức, Lệ Liệt Nông rời khỏi studio dù chưa xong việc. Không chỉ vậy, anh còn bất chấp lời cảnh cáo của nhân viên y tế chuyên nghiệp mà dùng một lượng lớn thuốc giảm đau ngay tại chỗ.
Tin tức này hẳn đã chọc tức tất cả những người đó rồi? Càng khiến họ phẫn nộ hơn chính là người thanh niên trẻ tuổi mà họ mất bao công sức bồi dưỡng nối nghiệp lại đang từng bước một rời khỏi quỹ đạo được định sẵn từ khi còn nhỏ.
Hiện tại, người nằm trên giường cho dù đã ngủ nhưng nếu nhìn kỹ, không khó để nhìn ra được sự mỏi mệt hiển hiện giữa hai đầu lông mày anh.
“Đều tại em không tốt”, cô lẩm bẩm: “Về sau, anh muốn giấu chuyện gì cũng được, nếu anh thấy đau, hãy nói với em.” Anh phải đau đến mức nào mới dùng gấp năm lần lượng thuốc giảm đau bác sĩ chỉ định.
“Em biết thật ra anh không sợ đau, chỉ là anh sợ em nhìn thấy sẽ khó chịu.” Cô lẩm bẩm, trong một phút, những lời này cứ thế tuôn ra.
Ngày xưa, ở một nơi tăm tối nào đó, cô đã nói với anh: “Anh bị đau, em cũng sẽ thấy khó chịu theo.” Đó là lời của Hứa Qua hai mươi tuổi.
“Ngày xưa anh thường nghe người ta nói con gái ông chủ cửa hàng kim khí hay tự mình đa tình, giờ mới thấy lời ấy đúng là có cơ sở.” Không biết anh tỉnh lại từ lúc nào, yên tĩnh nhìn cô.
Người khiến cô tự mình đa tình nhiều nhất không phải là vì anh sao. Chẳng qua hiện giờ, tất cả những điều đó không còn quan trọng nữa, nhìn người trước mặt, lần đầu tiên Hứa Qua thấy Hứa Qua của tuổi hai mươi thật sự đã đi xa rồi.
Hai bên không nói gì, cuối cùng, họ đều lựa chọn lảng tránh đi ánh mắt của nhau.
“Xin lỗi em,” Anh nói trước: “Lúc đấy anh không tỉnh táo đã nói những thứ lung tung, thực ra anh cũng không biết mình nói những gì nữa.”
Cô cụp mắt, lời của vị chuyên gia não bộ vẫn vang lên rõ ràng bên tai, dùng thuốc giảm đau quá liều cùng với việc não bị chấn động khiến tăng áp lực lên não, sinh ra cảm xúc lo âu, hoảng loạn.
“Hứa Qua…”
Hứa Qua lấy ngón tay chặn môi anh lại. Hiện giờ, giọng anh nghe như đã gắng gượng hết sức.
Khi môi anh hé ra định nói tiếp thì cô đã tiến lại gần, dùng đôi môi mềm mại áp lên môi anh.
Thi thoảng trong quá khứ, Hứa Qua cũng từng dùng cách như vậy để chặn lời nói anh lại, chính là những lời mà cô không muốn nghe.
80 ngày sau ngày sinh nhật cô chính là sinh nhật anh. Năm ấy cô mười chín tuổi, Artenza của cô thật đáng thương, không ai tổ chức sinh nhật cho anh cả. Món quà duy nhất mà anh được nhận chính là hai tiếng đồng hồ.
Hai tiếng đồng hồ ấy đúng lúc có một trận bóng đá diễn ra, trong hai tiếng đồng hồ được cho phép hoạt động tự do, Lệ Liệt Nông đã một mình đi xem trận bóng.
Vì thế, cô đã gạt dì Mai, lén lút đến Buenos Aires, trong chiếc túi phồng cô mang chính là quà sinh nhật cho anh. Cứ thế, Hứa Qua đứng chờ anh trước cửa phòng.
Đèn cửa không sáng lắm, nhưng đủ để cô nhìn rõ biểu cảm trên khuôn mặt anh, không hề vui mừng, một chút cũng không.
Nếu quan sát kỹ, có thể nhìn ra một loại cảm xúc như thế này: Cô nàng thừa hơi này, tôi đã mất công chạy đến đây rồi mà vẫn còn phải lãng phí thêm thời gian tìm cách tống cổ cô đi.
Cô nhón mũi chân, thừa lúc anh còn chưa mở miệng, hôn lên môi anh.
Nếu lúc ấy cô không làm như vậy, Hứa Qua nghĩ có lẽ cô đã bị tổn thương bởi những lời anh sắp nói ra.
Khi ấy, cô không thể chịu nổi một chút tổn thương nào nữa. Với chiếc túi còn trong tay, nửa tiếng sau, cô cầm vé máy bay từ Buenos Aires đến Amsterdam, rồi lại từ Amsterdam đến Bangkok.
Mười chín tuổi, tuổi mười chín xa xôi ở trong quá khứ với những hình ảnh liên tiếp chạy qua đầu cô. Những giọt nước mắt để dành từ năm mười chín tuổi như ậng lên trong đôi mắt của Hứa Qua hai sáu tuổi. Khi nước mắt còn chưa chảy xuống khoé môi đang triền miên, cô nhanh chóng rời đi.
Hứa Qua quay đầu ra chỗ khác, chớp mắt vài lần cho nước mắt biến mất, rồi cô quay đầu lại. Không dám ngước mắt nhìn anh, cô chỉ cúi đầu, nhỏ giọng: “Ngày mai chúng ta nói chuyện tiếp nhé?”
Anh kéo nhẹ ngón tay cô, vì thế, cô ngoan ngoãn nằm xuống vị trí cạnh anh. Vừa nằm yên xong, bàn tay anh liền đặt lên trên eo Hứa Qua. Bàn tay cô nhẹ nhàng đặt lên mu bàn tay anh.
Một lúc trôi qua, sau lưng cô truyền đến tiếng hít thở đều đều của Lệ Liệt Nông, ngón tay cô lần lên vết sẹo ở cổ tay anh, vuốt nhè nhẹ.
Đó là vết sẹo còn mới, từ độ lồi của vết sẹo có thể đoán được đây không phải là vết sẹo do vô ý. Dấu vết để lại trên cổ tay thường khiến mọi người liên tưởng đến chuyện yêu đương. Ngoài chỗ này ra, trên người anh còn có một dấu vết khác. Đó là dấu răng ở chỗ xương sườn số bảy.
Một buổi sáng nọ, trong lúc anh thay quần áo, dưới ánh sáng hoàn hảo từ ô cửa sổ, cô vô tình thấy được dấu răng mờ nhạt đó. Một số cô gái khi yêu đến độ điên cuồng sẽ thích lưu lại dấu răng của mình trên người bạn trai. Khi Hứa Qua muốn nhìn vết răng đó rõ hơn thì chiếc áo sơmi tối màu đã được khoác lên và cài cúc.
Trong nháy mắt, suy nghĩ đầu tiên nảy lên trong đầu Hứa Qua chính là: Artenza mặc áo quá tốc độ!
Cho dù không nhìn thấy rõ dấu răng ấy nhưng Hứa Qua biết rằng dấu răng cùng vết sẹo trên người anh nhất định là tác phẩm của một cô nàng thần kinh, giảo hoạt.
Ngón tay cô cuối cùng dừng ở chỗ xương sườn thứ bảy, trong lòng cô lộp bộp một chút.
Eve là chiếc xương sườn thứ bảy của Adam, Eve là đàn bà, Adam là đàn ông.
Người phụ nữ để lại dấu răng ở xương sườn thứ bảy của người đàn ông, chính là một loại ngôn ngữ không lời: “Anh chỉ có thể yêu em, yêu em chính là yêu bản thân anh, vì em chính là một đoạn xương sườn trên người anh.”
Liên quan đến người đàn ông của mình thì những cô gái luôn có vô số tâm tư. Không chỉ vậy, họ còn sinh ra với một siêu năng lực bẩm sinh: Dù bây giờ đôi mắt anh ấy đang nhìn mình nhưng thực ra lòng dạ lại không ở đây. Bây giờ anh ấy nhẹ nhàng nói chuyện với mình nhưng mấy lời này chẳng phải thật lòng thật dạ.
Chủ nhân của dấu răng ở xương sườn thứ bảy của Lệ Liệt Nông chắc chắn không phải cô, Hứa Qua chắc nịch. Dấu răng ấy rất đều, từ hình dạng đến độ dài có thể đoán ra đó là ấn ký của một cô gái trẻ tuổi.
Nếu cô mà là Hứa Qua hồi hai mươi tuổi, cô nghĩ thế nào mình cũng phải tìm trăm phương nghìn kế để khiến Lệ Liệt Nông khai ra, rốt cuộc người phụ nữ không thức thời nào dám làm ra chuyện tày trời như vậy, khiến lửa giận trong cô cháy ngùn ngụt.
Sau đó, Hứa Qua hai mươi tuổi sẽ lôi cô ả to gan lớn mật kia đến cống thoát nước thành phố, cho cô ả qua đêm dài ngày với chuột, rác và những kẻ cặn bã, đến khi cô ả bảo đảm không còn có lần sau. Đương nhiên, trước khi đó, cô phải khiến cô ta cảm thấy hối hận vì dùng hàm răng với mục đích sai trái.
Sau đó…..
Sau đó cô sẽ khóc lóc, khóc đến khi Lệ Liệt Nông không thể làm gì khác ngoài việc để cô dùng dấu răng của mình đè lên dấu răng của cô ả kia.
Đó là cách thức trực tiếp thể hiện tình yêu Lệ Liệt Nông của Hứa Qua hai mươi tuổi.
Nhưng Hứa Qua năm hai sáu tuổi chỉ nhẹ nhàng rút tay ra khỏi áo ngủ của anh, nhìn thẫn thờ vào bóng tối, cho đến khi đôi mắt khô rát mới khép mi lại. Cô đã mệt rồi.
Ngày hôm sau, cô cố gắng dời sự tập trung của mình khỏi vị trí chiếc xương sườn được che dưới lớp áo sơmi kia.
Đêm nay, tiếng hít thở của anh so với những hôm trước càng nặng nề. Một ngày dài đã khiến anh mệt mỏi quá sức. Trong bóng tối, Hứa Qua thở dài một hơi, ngón tay cô thu lại từ vị trí vết sẹo trên cổ tay, rồi cuộn tròn nắm tay lại.
Nắm tay cô đặt trước ngực, gần vị trí trái tim. Động tác này theo góc độ tâm lý học chính là cơ thể tìm tư thế tạo cảm giác an toàn, được che chở. Cứ như vậy, cô im lặng nhìn vào bóng tối.
Vết sẹo trên cổ tay, dấu răng trên xương sườn, cả hai đều đầy sự mờ ám.
Mấy buổi tối hôm nay, đôi mắt cô đều giống nhau, mở to thẫn thờ nhìn vào bóng tối, đến khi mắt khô rát mới nhắm mắt lại.
Không biết có phải vì đôi mắt đã thích nghi với bóng tối hay không mà khi cô nhắm mắt lại, bóng tối vô tận cũng theo đó mà ập tới, khiến đầu óc cô nặng nề rơi vào giấc mơ. Nghe nói giấc mơ là sự tái hiện lại hình ảnh mà bạn từng thấy trước đó, đặc biệt là những đồ vật bạn luôn hằng ao ước. Liên tục mấy hôm nay khi tỉnh lại, Hứa Qua đều cố gắng hồi tưởng lại những thứ vô cùng chân thật mình mơ thấy. Kỳ lạ là cô không thể nhớ ra được mình đã từng nói gì trong không gian ấy.
Đôi mắt mở to lập tức chạm vào một cặp mắt đang quan sát đầy ý vị. Ngay lập tức, cô cụp mi mắt xuống để che dấu. Khi mắt cô lần nữa ngước lên, đấy chính là đôi mắt quen thuộc của Hứa Qua. Đôi mắt hẹp dài vì khoé miệng tươi cười mà cong lên, đẹp đến mức hình ảnh phản chiếu khuôn mặt cô trong con ngươi anh càng thêm mấy phần si mê, lưu luyến.
Vẫn là sự si mê như những ngày đầu tiên.
Khoé miệng người đàn ông càng cong hơn, mang theo sự lười biếng vào buổi sáng, anh nói: “Chào buổi sáng!”
Tay cô lại co tròn lại, không dấu vết để lên trước bụng về tư thế an toàn, giọng bình thản: “Chào buổi sáng!”
Sau câu chào ấy, Lệ Liệt Nông không có chút nào là định rời khỏi giường. Anh cứ ngóng nhìn cô rõ lâu, ánh mắt ấy khiến cô thấp thỏm không yên. Chả hiểu vì sao, lưng cô bắt đầu căng lên, dựng thẳng. Khi cô đang định quay cả người đi chỗ khác để không bị anh nhìn nữa thì ánh mắt cô quét thấy khuôn mặt anh bỗng tái nhợt. Nhìn kỹ hơn thì thấy chỗ huyệt Thái Dương có gân nổi lên màu xanh nhạt dưới làn da đã trắng lại càng thêm trắng.
Nhà lãnh đạo 1942 phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm trên vai, nặng nề như toà trụ sở chính của tổ chức tại Prague vậy.
Cô thở dài một hơi, không nhìn anh mà nói nhỏ: “Em với anh ấy…. Không phải như lời anh nói, bọn em chưa từng gặp mặt trước đó.”
“Anh ấy?” Giọng nói của người đối diện không còn sự bình thản như câu chào buổi sáng: “Ở 1942, ‘anh ấy’ trong miệng em đăng ký hồ sơ với tên ‘Phương Vy Kỳ’.”
Không cần nhìn Hứa Qua cũng biết nhất định lúc này lông mày của Lệ Liệt Nông lại nhăn tít lại rồi. Rõ ràng vừa rồi giọng anh còn rất vui vẻ hào hứng đấy. Artenza dạo này tính nết thay đổi xoành xoạch, khiến cô chả thấy quen tẹo nào.
Lệ Liệt Nông là một tên cực kì chậm nhiệt, không chỉ rất chậm nhiệt mà còn hiếm khi nổi giận hay phẫn nộ.
Chuyện anh thi thoảng tức giận như cơn lốc, vừa bắt tay trò chuyện vui vẻ giây trước, giây sau coi người ta như cái ly bị hất vỡ là chuyện không bao giờ xảy ra.
Hứa Qua lúc này lập tức quy cảm xúc nóng nảy của Lệ Liệt Nông thành di chứng rối loạn cảm xúc mà bác sĩ đã nói với cô: Một số trường hợp, cậu ta không khống chế được hành động, lời nói của mình.
Được, thì gọi là ‘Phương Vy Kỳ’.
Cô nhỏ giọng tiếp tục nói: “Em cũng chỉ mới gặp được Phương Vy Kỳ thôi.”
Cô nghĩ nghĩ một lúc, cái ‘mới gặp được’ kia thật ra đã trôi qua cả chục tiếng đồng hồ.
Trong lúc Hứa Qua suy nghĩ nói gì tiếp, không khí trong phòng có sự thay đổi nho nhỏ. Chút thay đổi nho nhỏ ấy lớn dần thành một áp lực vô hình.
Cô căng da đầu, sửa lại cho đúng: “Lúc anh thấy… Chính là lúc em dựa vào bả vai anh ấy… Có thể giải thích là vì em kích động, chính là…”
Áp lực vô hình này được Hứa Qua lý giải thành: Sự săm soi.
Lệ Liệt Nông chính là tuýp người săm soi, hơn nữa khi anh càng săm soi thì càng khiến cô mất năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Cô lắp bắp: “Artenza, anh còn… anh còn nhớ khi mình còn nhỏ có chú cún Hoa Hoa không? Em đã tìm nó rất lâu, rất lâu nhưng… Nhưng vẫn không thể tìm thấy nó. Tuy ngoài miệng em không nói mà trong lòng…. Em luôn tưởng tượng có một ngày Hoa Hoa sẽ bỗng nhiên xuất hiện trước mắt. Hình ảnh anh nhìn thấy lúc đó cũng giống như sự kích động của em khi lâu ngày gặp lại Hoa Hoa vậy.”
Đến tận bây giờ, Hứa Qua vẫn còn nhớ rõ chú cún Hoa Hoa của cô. Cô nhặt nó về nhà từ khi nó còn bé, cực kỳ đáng thương. Cô đặt tên cho nó, cùng nó chia sẻ đồ ăn, ngắm nó tăng cân mỗi tuần, sau đó, một ngày nào đó, Hoa Hoa không còn xuất hiện nữa. Dù tìm thế nào cô cũng không thể thấy Hoa Hoa nữa.
Tuy rằng cô không nói ra nhưng không phải là không nghĩ đến.
Lệ Liệt Nông thờ ơ trước sự giải thích của cô.
Cô muối mặt nói tiếp: “Phương Vy Kỳ giống như chú cún Hoa Hoa, bỗng dưng em gặp lại anh ấy.”
Trầm mặc.
Có phải cô nói vẫn chưa rõ ràng hay không. Vì thế, Hứa Qua lại ấp úng tiếp tục: “Thời điểm em gặp lại Phương Vy Kỳ…”
Lại, lại quên hết mình định nói gì, từ ngữ bay loạn xạ trong đầu.
“Khi em biết Phương Vy Kỳ là hiệp sĩ….” Cô thở ra một hơi, sửa sang lại câu cú rồi nói: “Artenza, khi ấy em cực kỳ vui mừng.”
Lúc đó, cô cực kỳ vui mừng và phấn khởi.
Một ngày nọ, Hứa Qua nhìn thấy một cột mốc không tên, trên cột mốc bằng ván gỗ làm từ bảng hiệu ấy có khắc một đoạn văn: Thời gian trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc khi bạn quay đầu nhìn lại, luôn có một người vẫn yên lặng đi theo phía sau. Người luôn sát cánh bên bạn nhất định là một người bạn chân chính, cực kỳ yêu thương bạn. Hãy nhớ, quý trọng người bạn ấy!
Khi đó cô chỉ có một xíu thời gian, trong một xíu thời gian ấy cô vội vàng đọc đi đọc lại. Rồi tấm ván gỗ loang lổ vì dấu vết thời gian trôi dạt về phía sau theo tiếng tàu chạy ầm ầm trên đường ray.
Nhưng giờ phút này, những câu từ ấy nảy ra từ trong đầu cô, như thể từng ngón tay cô đang lướt trên tấm ván gỗ ấy.
Từ những lời đó, cuối cùng cô cũng hiểu. Hiểu rằng sáu năm cô đã đánh mất kia không phải là sự hư vô, mịt mờ.
Cô thở dài một hơi, nhấc mi mắt, lựa chọn nhìn thẳng vào mắt anh.
“Em biết trên đời này làm gì tồn tại hiệp sĩ, nhưng sâu trong lòng, em vẫn luôn cảm kích. Cảm kích bầu trời đêm đầy những vì sao lấp lánh mà anh ấy đã mang đến trước mặt em.”
Trong rất nhiều rất nhiều đêm khuya ngập tiếng súng nổ, một người hiệp sĩ đã xuất hiện trên cánh diều hâu đến trấn an một đứa nhỏ đang run bần bật vì sợ hãi, yên lặng nghe cô bé nói chuyện, phối hợp theo niềm tin trẻ thơ ngây ngốc của cô bé.
Người hiệp sĩ ấy khiến cô bé tin rằng mình được thần linh che chở từng ngày, từng ngày cho đến khi trưởng thành.