Chương 2: C2: Hứa qua 02

Dưới Vẻ Bề Ngoài

Đăng vào: 4 tháng trước

.

Từ khi mới đến Jerusalem cho tới bây giờ, Hứa Qua mơ hồ cảm thấy những người xung quanh đây hoàn toàn khác biệt với gia đình mình, cho dù cùng giờ giấc làm việc, sinh hoạt, cho dù ba lúc nào cũng nói “Chúng ta là những người làm ăn chân chính”.

Nhưng lời ba chẳng chút hợp lý khi căn nhà họ ở nằm ở khu cao cấp, vị trí đắc địa, là nơi an toàn nhất tại Jerusalem.

Ba giải thích rằng, đó là nhờ cha của ông, chính là ông nội Hứa Qua đã từng giúp đỡ một người Do Thái. Người này báo đáp bằng cách tặng một căn nhà cũ của ông ta cho gia đình họ ở. Chỉ là căn nhà cũ ở Jerusalem cũng còn mới quá đi.

Cô miễn cưỡng chấp nhận câu trả lời nay của ba. Hứa Qua đã từng gặp người-Do-Thái-từng-mang-ơn-ông-nội-của-cô, ông ta chính là một trong số những người thuộc tầng lớp quý tộc danh giá nhất, lại còn nổi tiếng thích làm từ thiện.

Bên cạnh chuyện nhà ở, còn có bao nhiêu chuyện khác nữa kìa:

Ví dụ như nhà họ luôn dễ dàng đi qua các trạm kiểm soát tạm thời do quân đội dựng lên, cho dù nhiều lần ba mang súng theo người và bị kiểm tra.

Hay là những đợt kiểm tra bất ngờ của quân đội trong nội thành, những người này vào cửa tiệm kim khí đa phần đều chỉ để làm bộ.

Còn nữa, giống như chuyện Hứa Qua nhiều lần bị quân lính bắt gặp lén cho những đứa trẻ vô gia cư chiếc hotdog trong tháng ăn chay mà cô không bị sao cả. Phải biết rằng, hành động như thế trong tháng ăn chay chắc chắn sẽ bị phạt nặng và bị trục xuất.

Những chuyện kể vừa rồi, Hứa Qua chỉ coi như mình biết thôi, không dám kể bô bô cho thiên hạ.

Cũng không biết từ khi nào, Hứa Qua tự hiểu rằng ở Jerusalem, chỉ có sự yên tĩnh mới là dấu hiệu an toàn. Cô từng nhìn thấy bạo loạn ở quảng trường, đa số đều không có kết cục tốt đẹp, bắt nguồn từ nhóm người Palestine.

Hứa Qua không biết tại sao mình không nói toạc ra những điều ấy. Nguyên nhân có lẽ vì ba và dì Mai đều nhìn cô như thể cô là một đứa nhóc không hiểu chuyện lại kém thông minh. Được cái họ giữ thể diện cho Hứa Qua nên không nói ra, dù điệu bộ đối xử thì lồ lộ.

Chắc người ấy cũng thấy cô là một đứa con gái ngu ngơ đi. Ánh mắt anh còn rõ hơn lời nói nữa.

Nhưng Hứa Qua thấy mình không ngô nghê chút nào. Ngược lại, cô còn thông minh là đằng khác, cái gì cô cũng biết hết á.

Hứa Qua biết thành phố gọi là Jerusalem thuộc về cả Israel và Palestine, nhưng người nắm quyền thật sự là người Israel. Hơn nữa, người Israel đang mở rộng dần phạm vi sống, đồng nghĩa cộng đồng Palestine bị thu hẹp nơi ở.

Mỗi lần Israel mở rộng địa giới, nhất định ban đêm ở thành cổ sẽ xảy ra nổ súng. Ngày tiếp theo, mọi người ở Jerusalem sinh hoạt khẩn trương hơn, trên đường cũng dày đặc các trạm tuần tra cùng lính gác, thi thoảng còn nghe tiếng còi cứu thương gào rú chói tai.

Khi xung đột qua đi, báo chí nhất định không bỏ qua mấy con số thương vong, thậm chí còn có cả danh sách người tử nạn. Trong danh sách này cũng xuất hiện tên của bạn Hứa Qua, cũng là người bạn duy nhất của cô ở Jerusalem

Mùa đông hai năm trước, cô bạn ấy bị mảnh tên lửa lạc găm trúng đầu. Chính cô ấy từng trộm chiếc khăn trùm đầu của chị mình, cùng với Hứa Qua cũng che khăn kín mít đi dưới bầu trời rực rỡ sao đêm, bước vào Thánh địa.

Dưới bầu trời lấp lánh sao đêm, Hứa Qua theo sau cô bạn gái. Hai cô nhóc vừa sợ hãi vừa tò mò vì sắp được tham dự một nghi thức đặc biệt. Những bàn tay kia sẽ cùng nhau áp lên mặt tường và nước mắt rơi xuống.

Áp mặt vào tường mà khóc, đây là chuyện quá bình thường ở dân tộc mất nước lâu năm ngày. Khóc xong, các cô thề sẽ làm bạn bè chân thành, giúp đỡ lẫn nhau suốt phần đời còn lại.

Sau khi cô bạn ấy mất, Hứa Qua không còn chơi thân với ai như trước. Cho dù có người luôn lén tặng bánh mỳ để ngỏ lời kết bạn, cô đều kiên quyết từ chối.

Người bạn gái ấy đi xa làm cuộc sống của Hứa Qua càng thêm cô đơn. Cô dùng phần lớn thời gian của mình ngồi trên tầng quan sát cao nhất để ngắm thành phố Jerusalem. Nhờ đó, cô đã biết một số chuyện người lớn không biết trẻ nhỏ không hay.

Thật ra không phải tất cả mọi người đều nói cô là ngốc nghếch. May mắn là có một người tin rằng Hứa Qua thông minh. Hơn nữa, người này còn là một người cực kỳ thông minh. Người này gọi cô là Tiểu Qua, anh nói rằng “Hứa Qua là cô bé thông minh nhất thế giới này.”

Đó là hiệp sĩ ở Núi đền.

Từ rất lâu về trước, có nhiều hiệp sĩ dũng cảm tập hợp lại thành một nhóm, nhiệm vụ của họ là bảo vệ những người theo đạo hành hương từ xa đến. Ở Núi đền có những linh hồn bất tử, hàng nghìn năm trôi qua, linh hồn bọn họ sẽ mượn thân thể người phàm để thực thi nhiệm vụ.

Khu vực Núi đền ở Jerusalem có lưu truyền câu chuyện: Khi bầu trời đêm ngập tràn ánh sao, vị hiệp sĩ ở Thánh địa sẽ cưỡi diều hâu, xuyên qua bức tường bước vào phòng trẻ nhỏ.

Lần đầu Hứa Qua nhìn thấy hiệp sĩ bóng đêm là vào một buổi tối đầy sao, khi cô lầm lũi trở về phòng sau bữa tối no căng, cô ngồi ăn đối diện với người ấy. Khi đó, cô mới đến Jerusalem không lâu, vì ba còn chưa tìm được trường học phù hợp, cô chỉ có thể ngồi cả ngày ngẩn ngơ nhìn khung cảnh đường phố qua ô cửa sổ.

Vì thế, Hứa Qua rất chán những buổi tối cô đơn như thế. Cô đã xa nhà cũ, xa dì Mai hơn một tuần và chẳng có ai để nói chuyện với.

Nửa đêm, Hứa Qua bị tiếng động đánh thức. Vừa mở mắt, cô bé lập tức nhìn thấy một người đang ngồi trước giường mình, đó là một thiếu niên. Người thiếu niên cao tầm tầm người ấy, đứng giữa phòng nhìn cô, ánh mắt của anh khiến Hứa Qua quên mất phải sợ hãi.

Đằng sau vai người thiếu niên ấy là một bầu trời đầy sao ở sau cửa sổ kính. Đó cũng là lần đầu tiên Hứa Qua thấy nhiều sao trên trời đến thế.

Ba cô luôn dặn đi dặn lại rằng “Buổi tối trước khi đi ngủ phải đóng cửa sổ thật kĩ” nên Hứa Qua lúc nào cũng nghe lời răm rắp. Ngày nào trước khi lên giường cô bé cũng đóng cửa chắc chắn, hôm nay càng không phải ngoại lệ. Nếu muốn vào phòng cô, trừ khi người đó có phép thuật đi xuyên tường. Suy nghĩ này khiến Hứa Qua sung sướng, vui mừng nhảy nhót trong lòng.

Truyền thuyết của Núi đền trong nháy mắt trở thành câu chuyện Nghìn lẻ một đêm của Hứa Qua.

“Anh nhất định là hiệp sĩ cưỡi diều hâu đến.” Hứa Qua mở miệng trước.

Người thiếu niên không đáp lại, anh vẫn đứng nhìn cô như trước.

Vì tò mò, Hứa Qua vươn tay chạm vào mặt người con trai, đầu ngón tay truyền đến hơi ấm, giống như người, làn da cũng giống nhau.

“Kì lạ thật, sao không phải cảm giác lạnh băng.” Một tay chạm đến, miệng cô lẩm bẩm tự nói một mình. Sau đó —

“Đó là vì em nhìn anh vào buổi tối, chỉ có ban ngày thân thể bọn anh mới lạnh băng.” Âm thanh đáp lại từ thân thể ấm áp ấy.

“Ồ, hoá ra là vậy.” Tiếp tục tự mình lẩm bẩm, sau đó hai mắt cô mở to.

Cô đoán đúng rồi, người con trai trẻ trước mặt chính là một chàng hiệp sĩ. Nhưng sao anh lại mặc quần áo thể thao?

“Em là Hứa Qua.”

Khi đó, Hứa Qua thật sự mừng phát khóc, không sai, anh chính là hiệp sĩ, nếu không tại sao lại biết tên cô cơ chứ. Nhưng, ai biết cô đều gọi cô là Hứa Qua mà.

“Dì Mai gọi em là Tiểu Qua.”

Cái này khiến Hứa Qua tin ngay. Nơi này mọi người đều biết lão buôn kim khí mới đến kia có con gái nhỏ gọi là Hứa Qua, nhưng họ không biết cô còn có nhũ danh là Tiểu Qua. Tên này cũng chỉ có dì Mai gọi, mà dì Mai đến Jerusalem một hôm thì hôm sau đã rời khỏi.

Thật sự có một người hiệp sĩ ban đêm xuyên tường đến phòng cô.

Anh hỏi cô: “Anh có thể gọi em là Tiểu Qua giống dì Mai không?”

Cô kích động đến mức gật đầu như trống bỏi.

Hứa Qua ở Jerusalem bốn năm, cô gặp hiệp sĩ bốn lần. Lần nào anh cũng không tiếng động mà đến, rồi ngồi yên lặng cạnh cô ở mép giường.

Bốn năm qua, anh cùng Hứa Qua trưởng thành. Cô đeo niềng răng để có hàm răng đều đẹp, còn cánh tay anh ngày càng rắn chắc, khuôn mặt anh cũng dần rõ nét đ ĩnh đạc và người lớn. Lần cuối Hứa Qua nhìn thấy anh là tầm này năm trước, trước khi rời đi, anh còn nói với cô: “Tiểu Qua là cô bé thông minh nhất thế giới này.”

Thật kì diệu, cô trước mặt anh không hề tự khoe về bản thân nhưng anh lại biết rõ. À không, tuy rằng cô có “chẳng may” khoe khoang trước mặt anh, nhưng cô không hề nói mình thông minh bao nhiêu nha.

Chỉ mà thông minh không phải là thứ tốt gì. Dì Mai nói, những người thông minh thường yểu mệnh, ngược lại, càng ngu ngốc thì càng sống lâu. Giống như nhìn thấu sự quảng đại của cô nhóc, và hiểu rằng chẳng có gì là bí mật ở Thánh địa nên anh đã hứa sẽ giữ miệng thật kĩ.

Và từ đó, câu “Tiểu Qua là cô bé thông minh nhất thế giới này” biến thành bí mật giữa hai người.

Giống như ba lần trước, Hứa Qua hướng mặt ra ngoài cửa sổ nhìn bầu trời đầy ánh sao, nhắm mắt lại, trong lòng đếm nhẩm đến mười.

“Chín, mười!”

Mở to mắt, căn phòng trống không, Hứa Qua mơ hồ nhìn hình ảnh anh cưỡi diều hâu bay qua nóc nhà. Cánh diều hâu to khoẻ bay đầy sức lực, hướng về phía Núi đền.

Ánh mặt trời cũng vừa ló dạng.

Từ phía bên trái Núi đền, ánh nắng chiếu đúng góc bốn lăm độ vào cửa sổ kính của chiếc taxi dừng trước mặt Hứa Qua. Hôm nay mọi thứ trông thật tươi đẹp và ấm áp. Nhưng màu sắc của nóc nhà thờ Hồi giáo hình tròn được tô đậm rực rỡ dưới ánh nắng cũng không làm vơi đi sự khó chịu khi cô vừa bị ba mắng.

Bị ba mắng nhiều lần, trong lòng Hứa Qua vô cùng buồn bực. Hơn nữa khi cô đang bị ba mắng thì người ấy vẫn chẳng hề hấn gì nhìn ra ngoài cửa sổ, coi việc đang xảy ra trong khoang xechẳng liên quan đến anh. Tuy rằng người ấy chưa một lần mắng ai, nhưng Hứa Qua nghĩ, nếu một ngày anh nặng lời chắc chắn sẽ khiến đối phương đau khổ tới chết.

Xe đi qua đoạn đường gập ghềnh ở khu thành cổ, rồi đến con đường lớn đẹp nhất Jerusalem. Mỗi năm có vô số kẻ hành hương sẽ dọc theo con đường cái này đến trước Thánh địa. Đó cũng là con đường an toàn nhất Jerusalem, bất luận là người Israel hay Palestine đều theo bản năng tuân thủ, không để máu đổ trên đoạn đường này.

Một phần ba đoạn đường về sau xe taxi quẹo trái, chạy ra đường nhánh, mười phút sau là dừng trước trường học.

Khỏi cần đoán, Hứa Qua biết thể nào ba mình cũng luôn xuống xe đầu tiên, sau đó hướng sang bên trái cửa xe, mở cửa, hơi cúi đầu, trông như một người ba đang cẩn thận dặn dò con mình học hành chăm chỉ. Ba của cô, luôn bỏ mặc cô một bên.

Hứa Qua không có tức giận với thói quen này của ba mình, vì cô biết mình có giậm chân bịch bịch thì ông cũng không để tâm.

Thật ra dì Mai nói với cô: “Hứa Thuần về sau sẽ tiếp quản vị trí của ba con ở cửa hàng kim khí, còn con sẽ gả cho người ngoài. Con không biết sao, con gái gả ra ngoài chính là bát nước đổ đi.”

Nghe dì Mai nói thế, phản ứng đầu tiên của Hứa Qua là: “Con không lấy chồng, sẽ không lấy chồng đâu” Hứa Qua không nghĩ rằng sẽ có một ngày cô sẽ phải rời xa ba, rời xa dì Mai, rời xa… rời xa người ấy.

Cầm lấy cặp sách, mở cửa xe, mặt hơi xị xịt, đôi mắt Hứa Qua liếc ngang người cha trọng nam khinh nữ kia một cái rồi mới vẫy tay với ông: “Ba, hẹn gặp lại.”

Chờ người ấy bước qua Hứa Qua, cô cúi đầu, đi theo sau anh bước vào trường.

Nghe tiếng taxi đi xa dần, Hứa Qua bắt đầu đi chậm lại, ánh mắt chăm chú nhìn vào đôi giày thể thao trắng đang bước đằng trước. Quần tây kaki màu trắng kết hợp với áo sơmi ngắn tay, nhìn qua các thiếu niên trong bộ đồng phục ở Jerusalem không khác những người ở tầng lớp tư sản. Nhưng Hứa Qua luôn thấy đôi giày thể thao trên chân người ấy so với lũ con trai khác hoàn toàn khác biệt. Mỗi bước anh đi toát ra sự nhã nhặn, khí khái, màu quần kaki cùng dáng quần tôn lên vóc người cao nổi bật.

Chỉ có màu sơmi trắng của anh mới nổi bật như vậy dưới mặt trời, làm người ta cảm giác như đang đứng giữa cánh đồng tuyết, phải khẽ nheo mắt nhìn.

Dần dần, Hứa Qua bước ngày càng chậm, mà anh bước chân anh vẫn như trước, khoảng cách giữa hai người họ ngày càng kéo dài. Cuối con đường nhỏ là ngã ba, hướng trái là trường cô, còn bên phải là trường anh. Anh sắp rẽ vào trường rồi.

Giống như mỗi buổi sáng tỉnh dậy, cô theo thói quen đánh răng rửa mặt, giờ đây đôi mắt cô tập trung toàn lực nhìn bóng dáng ấy, niệm câu thần chú như trong truyện Nghìn lẻ một đêm: “Alibaba và bốn mươi tên cướp”: “Vừng ơi, mở ra.” với phiên bản của Hứa Qua: “Hứa Thuần, anh quay lại đi.”

Ánh nắng vàng rực rỡ từ phản chiếu từ Núi Đền trên cao hắt xuống khuôn mặt non nớt đang ngửa lên, niệm câu thần chú:

“Hứa Thuần, anh quay lại đi.”

– –